Đề án Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam Giảm thiệt hại thiên tai

Ngay sau khi Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (27 tháng 3 năm 2012), Bộ TN & MT đã khẩn trương phê duyệt đề cương chi tiết, triển khai Đề án theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao: Tập trung điều tra tại các vùng trọng điểm có nguy cơ trượt lở đất đá cao, phân vùng cảnh báo và chuyển giao kết quả về địa phương, phục vụ công tác giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.


 

Trượt lở đất đá tại xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu

Trượt lở đất đá (TLĐĐ) là một trong những loại hình thiên tai phổ biến nhất trên thế giới và Việt Nam. Ba phần tư lãnh thổ Việt Nam thuộc khu vực  miền núi, có địa hình sườn dốc cao, hoạt động phát triển KT-XH chưa được qui hoạch hợp lý, nên các hiện tượng TLĐĐ, lũ bùn đá và lũ quét thường xảy ra. Những năm gần đây, các loại hình thiên tai này xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, điển hình ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An...

Trên thế giới, việc nghiên cứu tai biến địa chất được đầu tư rất sớm, nhiều phương pháp khoa học tiên tiến đã được áp dụng vào công tác dự báo nguy cơ thảm họa TLĐĐ. Ở Việt Nam, vấn đề này mới chỉ được chú trọng khoảng 15 năm gần đây khi thảm họa thiên tai xảy ra thường xuyên hơn. Các nghiên cứu về TLĐĐ ở Việt Nam mới chỉ áp dụng trên diện rộng, tỷ lệ nhỏ, chủ yếu phân vùng dự báo định tính, còn rất thiếu các công trình điều tra đủ chi tiết để hỗ trợ hiệu quả hơn công tác quy hoạch, cảnh báo nguy cơ và chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Cách nào để lấp các " lỗ hổng" ?

TS. Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện KHĐC & KS, Chủ nhiệm Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam" cho biết: Đề án bao gồm 4 hợp phần chính: Một là điều tra và thu thập tài liệu từ tất cả các nguồn thông tin, chuẩn bị cơ sở dữ liệu đầu vào cho các bước tiếp theo.như: điều tra hiện trạng TLĐĐ, đo vẽ địa hình bổ sung và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số tỷ lệ 1:10.000, giải đoán ảnh viễn thám, thành lập các bản đồ thành phần và phân bố mưa gây TLĐĐ. Số liệu hiện trạng TLĐĐ là chìa khóa đầu vào cho các mô hình dự báo nguy cơ TLĐĐ có thể xảy ra trong một khu vực. Hai là, xây dựng các mô hình không gian về cơ chế TLĐĐ, phân tích tần suất - cường độ khối trượt trong mối liên quan với cường độ của yếu tố kích hoạt trượt, dự báo sự di chuyển của khối trượt cho từng vùng nghiên cứu, phân vùng nguy cơ nhạy cảm với TLĐĐ. Ba là, xây dựng các kịch bản xảy ra thiên tai TLĐĐ (và các  thiên tai thứ sinh) được kích hoạt bởi một cường độ mưa nhất định, với một chu kỳ nhất định, đánh giá và phân vùng nguy cơ tai biến TLĐĐ. Bốn là, đánh giá mức độ rủi ro do TLĐĐ cho từng vùng nghiên cứu dưới nhiều kịch bản khác nhau, nhằm xây dựng bản đồ nguy cơ rủi ro, trong đó có khoanh định khu vực các mức độ rủi ro và xếp hạng theo các mức độ cảnh báo khác nhau.

Song song với các công tác mang tính "kỹ thuật" là việc chuyển giao sản phẩm từng giai đoạn của Đề án, kết hợp công tác giáo dục cộng đồng nhằm quản lý, cảnh báo kịp thời việc phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do TLĐĐ, phục vụ công tác quy hoạch và tái định cư.

10 tỉnh miền núi đã được điều tra, cảnh báo

TS Lê Quốc Hùng chia sẻ: Triển khai Đề án trên những vùng rừng núi xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Đề án phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn và hiểm nguy. Hiện trạng số liệu từ nhiều nguồn, nhiều ngành nên có tinh thống nhất không cao, tốn nhiều thời gian công sức để tổng hợp...

Trong năm 2012-2013, công tác điều tra hiện trạng TLĐĐ đã thực hiện tại 10 tỉnh miền núi : Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng diện tích điều tra gần 60.000 km2. Đề án đã xác định được gần 9.000 điểm trượt có quy mô và mức độ nguy hiểm khác nhau, gần 3.000 điểm trượt nghi vấn phát hiện được từ việc phân tích địa hình trên mô hình lập thể số và giải đoán ảnh máy bay. Sản phẩm chính của công tác này là các bản đồ hiện trạng TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000 được xây dựng cho từng huyện miền núi thuộc 10 tỉnh nói trên. Đề án đã cơ bản hoàn thiện công tác thu thập tài liệu, phân tích địa hình trên mô hình lập thể số tỷ lệ 1:10.000, ứng dụng công nghệ viễn thám để thành lập các bản đồ thành phần; xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu không gian và Web-GIS phiên bản thứ nhất về TLĐĐ; thực hiện bước I công tác giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các lớp tập huấn cho các cán bộ Đoàn-Đội các cấp của 22 tỉnh miền núi phía Bắc.

Năm 2014, Đề án tập trung hoàn thiện công tác tổng hợp tài liệu, cơ sở dữ liệu không gian và Web-GIS quốc gia về TLĐĐ, phân tích địa hình trên mô hình lập thể số tỷ lệ 1:10.000 cho các tỉnh miền núi còn lại; xây dựng các mô hình đánh giá, phân vùng nguy cơ, và thành lập các bản đồ phân vùng cảnh báo TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000 cho các tỉnh đã khảo sát. Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn khoa học cho các cán bộ nòng cốt của Đề án, tăng cường hoạt động giáo dục cộng đồng, từng bước chuyển giao các sản phẩm về địa phương theo mục tiêu của Đề án.

Văn phòng Tổng cục./.

Nguồn:http//:www.monre.gov.vn

Tin tức khác
Tin mới
- Xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở về đánh giá rủi ro trượt đất
- Chương trình đào tạo "Sakura Science Program"
- Khảo sát trượt đất bằng thiết bị UAV
- TXT-tool 1.081-2.4 Đánh giá nguy cơ trượt đất bằng phương pháp phân tích thứ bậc (AHP)
- TXT-tool 1.081-2.3 Nhận biết khu vực trượt lở bằng cách biên dịch ảnh hàng không và bản đồ địa hình
- Tham dự Hội nghị Kyoto, họp Ban điều hành Hội trượt đất quốc tế (ICL) lần thứ 15 và họp Ủy ban vận động toàn cầu (IPL-GPC) lần thứ 11 tại Nhật Bản
- TXT -tool 2.081-1.1 Những điểm quan trọng trong khảo sát trượt đất đối với các kỹ sư
- TXT-tool 2.062-1.2 Hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm cho dòng lũ bùn đất đá trên những dòng sông ở
- Đặc điểm trượt đất xảy ra ngày 6 tháng 8 năm 2012 tại núi Mihata, tỉnh Shimane, Nhật Bản
- Cơ chế trượt đất nông ban đầu trên đảo Izu-oshima, Nhật bản, do cơn bão Wipha năm 2013 gây ra
LIÊN KẾT WEBSITE
Bộ giao thông vận tải
Bộ xây dựng
Ủy ban an toàn GTQG
Tổng cục dduwwongf bộ việt nam
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
675691